1. Thừa phát lại là gì?
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, được nhà nước bổ nhiệm để thực hiện các công việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020 và pháp luật có liên quan, trong đó:
Tống dạt là việc thông báo, chuyển giao văn bản, giấy tờ, hồ sơ tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại thực hiện các công việc tống đạt văn bản cho Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự.
Vi bằng là văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân và theo quy định của pháp luật.
2. Văn phòng Thừa phát lại là gì?
Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề thừa phát lại, bao gồm các Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ, nhân viên kế toán, văn thư lưu trữ và các nhân viên khác. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại, các Thừa phát lại khác có thể là Thừa phát lại sáng lập, thừa phát lại hợp danh hoặc Thừa phát lại làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động. Thư ký nghiệp vụ là người giúp việc cho Thừa phát lại và phải có những tiêu chuẩn cụ thể như: là công dân Việt Nam, có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự, có bằng trung cấp luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị định 08/2020. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở riêng đảm bảo cho việc hoạt động, lưu trữ hồ sơ và giao dịch, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
Con dấu của Văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy. Văn phòng Thừa phát lại được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định 08/2020.
3. Một số quy định của pháp luật về chế định Thừa phát lại hiện nay:
3.1 Cơ sở pháp lý
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về thi hành Luật Thi hành án dân sự;
Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 về sử đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
3.2 Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại:
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại được quy định khái quát như sau: Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Không có tiền án; Có bằng cử nhân luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 03 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên; Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư, Đấu giá, Quản tài viên, Quản lý thanh lý tài sản và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Người có đủ các điều kiện này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
3.3 Về Văn phòng Thừa phát lại
Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại, bao gồm:
- Trưởng Văn phòng (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại);
- Thừa phát lại là thành viên sáng lập, Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại.
- Thư ký nghiệp vụ giúp việc cho Thừa phát lại;
- Nhân viên kế toán; Nhân viên hành chính khác (nếu có).
Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện: Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động; Tổ chức bộ máy theo quy định của pháp luật.Văn phòng Thừa phát lại có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
3.4 Chức năng của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại được làm:
3.4.1 Tống đạt văn bản:
Thừa phát lại thục hiện công việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan thi hành án dân sự. Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Văn bản tống đạt có thể bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác. Thừa phát lại có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản này ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở Văn phòng Thừa phát lại.
3.4.2 Lập vi bằng:
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên phạm vi toàn quốc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc của mình, có một số trường hợp Thừa phát lại không được lập vi bằng, ví dụ như:
+ Không lập vi bằng đối với những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
+ Các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; bí mật nhà nước, vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự;
+ Các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp;e
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3.4.3 Xác minh điều kiện thi hành án:
Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.
3.4.4 Trực tiếp thi hành án các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án:
Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với: Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Khi trực tiếp thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án, Thừa phát lại phải tuân thủ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.
Như vậy, chế định Thừa phát lại là công cụ giúp người dân tự xác lập chứng cứ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong giao dịch dân sự; cung cấp thêm cho người dân quyền lựa chọn nơi tổ chức thi hành án ngoài cơ quan thi hành án nhà nước một cách nhanh chóng, đúng pháp luật; là công cụ hữu hiệu để người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong quá trình xét xử, thi hành án. Bên cạnh đó Thừa Phát Lại tống đạt văn bản cho Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự, giúp giảm tải hoạt động của các cơ quan này, từ đó tăng chất lượng công việc phục vụ nhân dân.
Nhanh chóng, chuyên nghiệp, hiệu quả, chi phí hợp lý.
Kinh nghiệm phong phú, trưởng thành từ thực tiễn nghề nghiệp.
Khách hàng sẽ được tư vấn MIỄN PHÍ, tận tình đối với từng yêu cầu cụ thể.
Được sự hỗ trợ chuyên môn tuyệt vời từ các cộng sự, cố vấn – những người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật.
Thừa phát lại: Lê Văn Tùng
Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại số: 1075/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
VP: Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh - E5/6A Nguyễn Hữu Trí, TT Tân Túc, Bình Chánh, TP. HCM
Hotline, zalo, viber 24/7: 0908.559.880