Hotline 24/7: 0908.559.880
"Vi Bằng - Bằng chứng sự thật, bằng chứng công bằng"
tung.thuaphatlai@gmail.com

Hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại

Bài viết nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực tiễn thi hành quy định pháp luật về hoạt động tống đạt hiện nay của Thừa phát lại, từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại.

1. Đặt vấn đề

Điều 173 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, tống đạt là việc chuyển giao những giấy tờ cần thiết của các cơ quan tư pháp đến đương sự thông qua những hình thức luật định, bao gồm cả các trường hợp tống đạt không thành, nhằm bảo đảm quá trình tố tụng được tiến hành đúng theo quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, hoạt động tống đạt được chi trả thù lao theo thỏa thuận của Thừa phát lại bao gồm: Tống đạt các loại văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) và trường hợp tống đạt theo sự lựa chọn của Bộ Tư pháp đối với trường hợp tương trợ tư pháp. Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu về hoạt động tống đạt ngoài tố tụng của Thừa phát lại đối với doanh nghiệp là cần thiết. Một mặt, mở rộng lĩnh vực tống đạt tạo doanh thu cho Văn phòng Thừa phát lại khi số lượng văn bản tống đạt trong tố tụng theo thỏa thuận hiện nay không đạt được nhiều như kỳ vọng, mặt khác, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi các dịch vụ chuyển giao tài liệu khác chưa thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp như quy trình không chặt chẽ của chuyển phát nhanh hay hoạt động lập vi bằng ghi nhận việc thông báo lại cần sự có mặt của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài luôn chú trọng vào việc phòng ngừa rủi ro với các xung đột bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp.

2. Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại

2.1. Quy định pháp luật về hoạt động tống đạt của Thừa phát lại

Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) quy định tống đạt là một trong bốn công việc Thừa phát lại được làm. Trong đó, Điều 2 Nghị định này quy định: Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại - là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, ngoài Thừa phát lại thực hiện tống đạt thì Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện. Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định, đối với các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu được Văn phòng Thừa phát lại ký thỏa thuận tống đạt, thì gồm các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS và các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Trên cơ sở đó, Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình và bồi thường thiệt hại (nếu có).

- Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THADS, bao gồm: Tống đạt trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan THADS trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS. Sau khi ký kết, hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại. Quy định pháp luật hiện nay cho phép mỗi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với một hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại[1].

Pháp luật hiện hành quy định chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan THADS, bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật THADS phải niêm yết công khai, trên cơ sở Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THADS thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt theo luật định[2]. Bên cạnh đó, quy trình thanh toán chi phí tống đạt của Thừa phát lại được thực hiện theo thủ tục luật định nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên khi tham gia thỏa thuận tống đạt hồ sơ văn bản tố tụng[3]. Tuy nhiên, các quy định pháp luật tống đạt trong tố tụng hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu tống đạt các văn bản, hồ sơ, tài liệu ngoài tố tụng của doanh nghiệp. Do đó, dưới góc độ toàn diện của khoa học pháp lý thì việc hình thành hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại là điều cần thiết và tất yếu khách quan.

- Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các nội dung khác có liên quan[4].

Như vậy, quy định pháp luật hiện hành về tống đạt của Thừa phát lại chỉ tập trung vào hoạt động tống đạt trong tố tụng mà chưa có quy định điều chỉnh về hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại. Tuy nhiên, việc hình thành hành lang pháp lý cho phương thức tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại không chỉ góp phần hoàn thiện hơn chế định về tống đạt ở mặt khoa học pháp lý mà còn góp phần vào việc xây dựng quy định pháp luật về tống đạt của Thừa phát lại, phù hợp với những nhu cầu khách quan đang diễn ra hiện nay.

2.2. Thực trạng hoạt động tống đạt của Thừa phát lại thời gian qua

Hoạt động tống đạt ở Việt Nam thường được gắn liền với các hoạt động tố tụng các cơ quan có thẩm quyền. Do đó, kể từ ngày chế định Thừa phát lại ra đời, đã đánh dấu bước ngoặt cho hoạt động tống đạt được xã hội hóa thông qua một trong những chức danh bổ trợ tư pháp, thuộc tổ chức tư nhân thực hiện độc lập công việc tống đạt các văn bản trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động tống đạt của Thừa phát lại trong tố tụng có xu hướng giảm, số lượng văn bản tống đạt của cơ quan THADS chuyển giao cho Thừa phát lại chỉ bằng 30% cùng kỳ năm trước và số lượng văn bản tống đạt tại Viện kiểm sát nhân dân là rất ít, chủ yếu là tống đạt cho Tòa án[5]. Trong đó, chính các Tòa án ký kết thỏa thuận cũng không chủ động giao hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để tống đạt như một quy trình pháp lý thường nhật, mà có sự chọn lựa, bởi vì, theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì chi phí tống đạt của Thừa phát lại cho các cơ quan có thẩm quyền theo luật định là từ ngân sách nhà nước, nhưng số ngân sách phân bổ thấp hơn với nhu cầu trong thực tế, nên việc giao tài liệu, giấy tờ cho Thừa phát lại thường ít hơn so với nhu cầu thực tế, ngoài ra tình trạng bị nợ phí tống đạt của các cơ quan phát hành văn bản khiến các Văn phòng Thừa phát lại gặp khó khăn trong việc duy trì việc tống đạt trong tố tụng theo thỏa thuận[6]. Thực trạng này làm cho số lượng hồ sơ, tài liệu tống đạt trong tố tụng của Văn phòng Thừa phát lại giảm sút và ảnh hưởng đến doanh thu của Văn phòng Thừa phát lại cũng như thu nhập của người lao động. Đồng thời, chi phí tống đạt trong tố tụng của Thừa phát lại được đánh giá là khá thấp và thực sự khó có thể thu hút nhân sự cũng như duy trì hoạt động tống đạt của Văn phòng Thừa phát lại. Còn hoạt động tống đạt liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho đến nay Bộ Tư pháp chưa ban hành quy định chi tiết và cũng chưa được Bộ Tư pháp chọn giao trực tiếp, mà Văn phòng Thừa phát lại thường nhận việc tống đạt qua cơ quan Tòa án nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở[7].

2.3. Cơ sở hình thành và nhu cầu thực tiễn để thực hiện tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại

- Cơ sở hình thành tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại: Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, công việc của Thừa phát lại theo thời gian được pháp luật và xã hội thừa nhận, từ đó, cho phép mở rộng phạm vi các dịch vụ mà Thừa phát lại được phép cung cấp. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, phạm vi dịch vụ mà Thừa phát lại được làm khá rộng, nhưng đều bao gồm 02 nhóm, đó là[8]: (i) Tống đạt các văn bản tư pháp: Là thực hiện việc tống đạt các văn bản liên quan trực tiếp đến thủ tục tố tụng, ví dụ, các văn bản khởi kiện trong trường hợp người có quyền đòi nợ yêu cầu được trả nợ và người này nộp đơn khởi kiện đến Tòa án. Đơn khởi kiện này được tống đạt đến nơi ở của người nhận có thể là một cá nhân hoặc doanh nghiệp. Hiện nay, Thừa phát lại thường chỉ tiến hành tống đạt với các loại văn bản trong quy trình tố tụng theo thỏa thuận, yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; (ii) Tống đạt các văn bản phi tư pháp: Là việc tống đạt các văn bản ngoài tố tụng, tức là không liên quan trực tiếp hoặc ít ra lúc đầu không liên quan đến thủ tục tố tụng tư pháp. Ví dụ như, các văn bản yêu cầu thực hiện hoặc không thực hiện một việc, hoặc yêu cầu thanh toán, văn bản thông báo không đồng ý yêu cầu của một bên. Các văn bản phi tư pháp hiện nay được Thừa phát lại tống đạt theo hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Ở một số nước, văn bản tống đạt ngoài tố tụng - văn bản phi tư pháp cũng được tống đạt bởi các tổ chức tư nhân có chức năng tống đạt ngoài tố tụng như Thừa phát lại bao gồm thông báo vi phạm hợp đồng hoặc hết hạn thuê của chủ nhà gửi đến người thuê[9].

- Nhu cầu thực tiễn của tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại: Nhu cầu thực tiễn sẽ trở thành một phần căn cứ để có thể thực hiện việc tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại bao gồm: (i) Đối với các cơ quan thẩm quyền: Hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại sẽ nâng cao chất lượng cho nguồn chứng cứ trong hoạt động giải quyết vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền, thông qua những biên bản tống đạt thành, nhận thay hay biên bản tống đạt không thành và niêm yết công khai, để từ đó là căn cứ xem xét việc một bên đã thực hiện việc chuyển giao hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, hay các văn bản mang tính chất thông báo, nhắc việc đến hạn… mà những chứng cứ pháp lý này đã được bảo đảm thông qua tống đạt được Thừa phát lại thực hiện mà không cần phải đi xác minh lại, từ đó tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng tư pháp. Từ các thủ tục pháp lý trong hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại, các bên có thể tự thỏa thuận và hòa giải được vấn đề đang tranh chấp, góp phần giảm tải số lượng vụ việc tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp và đồng thời là giảm áp lực công việc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. (ii) Đối với các hoạt động giao nhận văn bản: Hiện nay, các hoạt động lập vi bằng về việc giao thông báo của Thừa phát lại và hình thức chuyển phát nhanh ở bưu cục (kết quả được thể hiện qua vận đơn) được xem là một loại hình giao nhận văn bản ngoài tố tụng và có giá trị pháp lý khi được xem như chứng cứ tại các vụ giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối với việc giao thư, bên chuyển phát nhanh, bộ phận giao nhận không có kiến thức chuyên môn đào tạo tốt về mảng tống đạt văn bản pháp lý, quy trình giao nhận ko chặt chẽ, trên thực tế, việc tra cứu thông tin người giao là ai, người nhận là ai và có mối quan hệ thế nào với người cần nhận văn bản (trong trường hợp nhận thay) còn khó khăn, thời gian chuyển văn bản không xác định rõ,... thì không thể nào chuyên nghiệp, làm chuyên trách giao văn bản pháp lý như dịch vụ của Thừa phát lại. Còn việc lập vi bằng ghi nhận thông báo cũng chỉ là một hình thức tống đạt gián tiếp, vẫn cần phải có sự góp mặt của bên ban hành văn bản với người giao là người yêu cầu phải trực tiếp làm hoặc ủy quyền. Trong trường hợp bên giao và bên nhận là hai bên đối lập căng thẳng thì việc bên doanh nghiệp xuất hiện có thể gây tâm lý bức xúc cho người nhận, mà doanh nghiệp để có thể có người hay bộ phận đủ năng lực chuyên môn thực hiện việc giao văn bản là không hề dễ dàng. Sự xuất hiện của Thừa phát lại trong hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp sẽ khắc phục được những thiếu sót của hai hình thức giao nhận trên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về việc chuyển giao văn bản pháp lý với quy trình chặt chẽ, chính xác, khách quan.

3. Lợi ích và thách thức khi thực hiện tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại

3.1. Lợi ích

Thứ nhất, Thừa phát lại có lẽ là bộ phận duy nhất có thể phát huy tối đa tính hiệu quả của hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp, nếu được đưa vào thực tiễn hoạt động. Bởi vì, Thừa phát lại là chức danh có đủ chuyên môn và kinh nghiệm trong việc thực hiện công việc tống đạt so với các phương thức giao nhận văn bản khác (lập vi bằng ghi nhận việc giao thông báo, giao thư qua chuyển phát nhanh), đồng thời cũng là chủ thể duy nhất đang thực hiện việc tống đạt chuyên biệt trên cơ sở dịch vụ (theo hợp đồng và được hưởng thù lao), đáp ứng được các tiêu chí của pháp luật cũng như yêu cầu đề cao tính tư nhân hóa từ yêu cầu của khách hành là doanh nghiệp.

Thứ hai, hoạt động tống đạt của Văn phòng Thừa phát lại sẽ không chỉ phụ thuộc vào tống đạt trong tố tụng, mà doanh thu còn đến từ tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp. Ở đó, các cơ quan có thẩm quyền ký kết thỏa thuận tống đạt trong tố tụng sẽ không thể trả phí cao, chủ động bằng khối khách hành tống đạt ngoài tố tụng như là doanh nghiệp.

Thứ ba, trên cơ sở là yêu cầu từ doanh nghiệp mang tính tư nhân, nên hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận của doanh nghiệp sẽ giúp làm tăng hiệu quả về mặt truyền thông hình ảnh cho nghề Thừa phát lại, khi mật độ xuất hiện của Thừa phát lại hay thư ký nghiệp vụ tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận của doanh nghiệp sẽ phủ sóng nhiều hơn trước, hình ảnh nghề Thừa phát lại được quảng bá đến người dân nhiều hơn.

Thứ tư, từ việc đem lại được doanh thu, các Văn phòng Thừa phát lại sẽ tạo ra làn sóng cạnh tranh lành mạnh. Văn phòng Thừa phát lại sẽ phải đầu tư chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như phải thiết lập những quy trình tống đạt chất lượng để khẳng định thương hiệu, hình ảnh của mình với khối khách hàng doanh nghiệp.

Thứ năm, về mặt xã hội, khi các doanh nghiệp tạo lập được chứng cứ thông qua dịch vụ tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiêp của Thừa phát lại (các tranh chấp nội bộ, tranh chấp bên ngoài doanh nghiệp), sẽ cải thiện hay tạo được niềm tin cho nhau, giảm thiểu tranh chấp, tiến tới các bên tự nguyện thỏa thuận hay hòa giải thành.

Thứ sáu, về mặt khoa học pháp lý, doanh nghiệp sẽ sử dụng những chứng cứ pháp lý được tạo lập bởi Thừa phát lại thông qua hoạt động tống đạt ngoài tố tụng để làm cơ sở để khởi kiện của các bên tranh chấp, giảm thiểu thời gian thu thập, đánh giá chứng cứ và tăng tính hiệu quả của hoạt động xét xử. Bên cạnh đó, để khẳng định giá trị pháp lý của chức danh Thừa phát lại, cần bổ sung quy định Thừa phát lại là một phương án lựa chọn trong tống đạt góp phần nâng cao chất lượng lĩnh vực tố tụng, phát huy giá trị hiệu quả của hoạt động tống đạt nói chung và tống đạt của Thừa phát lại nói riêng.

Như vậy, từ những lợi ích trên có thể thấy, hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Từ đó, việc xây dựng quy định pháp luật về tống đạt ngoài tố tụng cho doanh nghiệp là điều cần thiết để hiện thực hóa hoạt động này trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại được thực hiện, thì vẫn còn đó những thách thức mà Thừa phát lại cần phải đối diện để xử lý, tháo gỡ.

3.2. Thách thức

Thứ nhất, về pháp lý: Đây là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình tống đạt ngoài tố tụng của Thừa phát lại. Nếu hoạt động tống đạt trong tố tụng được thực hiện dựa trên hồ sơ vụ việc đã được thụ lý để được xem xét giải quyết, đồng nghĩa với việc các văn bản khi được ban hành và được tống đạt đến bên người nhận là đã phần nào được thực hiện dựa trên cơ sở hơp lý hơp pháp của các cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ, để tống đạt một thông báo thụ lý và giấy triệu tập, thì cần phải có trước đó các bước để bảo đảm cơ sở đến tiến hành tống đạt là đúng theo quy định pháp luật. Còn đối với tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại, thì trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để có cơ sở tiến hành tống đạt, thì Thừa phát lại không phải là cơ quan đưa ra phán quyết về vấn đề đang tranh chấp. Ví dụ như thông báo thanh toán công nợ, thì Thừa phát lại không có thẩm quyền để xác định được cơ sở kết luận dẫn chiếu đến phần công nợ cần tống đạt thông báo thanh toán theo thỏa thuận được ký kết bởi doanh nghiệp yêu cầu là có hợp pháp hay không. Do đó, Thừa phát lại phải rất cẩn trọng việc kiểm tra pháp lý của hồ sơ để giảm thiểu rủi ro pháp lý mà Thừa phát lại phải có trách nhiệm đối với phần hậu quả pháp lý phát sinh từ nội dung văn bản mà Thừa phát lại đã tống đạt.

Thứ hai, về khó khăn trong thực tiễn: Nếu quy định pháp luật không chặt chẽ và người tiếp nhận hồ sơ, kiểm duyệt và thực hiện tống đạt có hành vi cấu kết với doanh nghiệp ký kết thỏa thuận, thì tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại sẽ là cơ hội để doanh nghiệp lợi dụng, thực hiện hành vi trái pháp luật khi tống đạt văn bản không hợp pháp hoặc doanh nghiệp khách hàng sử dụng Thừa phát lại như một công cụ để gây áp lực đối với người nhận văn bản. Ví dụ, lợi dụng sự yếu thế của bên đang có nghĩa vụ thanh toán nợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khách hàng sử dụng Thừa phát lại như một công cụ trấn áp, gây áp lực để đòi nợ.

So sánh với tống đạt trong tố tụng, vì bên ban hành văn bản của tống đạt ngoài tố tụng là doanh nghiệp, nên mức độ “uy quyền” so với các cơ quan có thẩm quyền bên tống đạt trong tố tụng sẽ không thể nào gây áp chế tâm lý được cho bên nhận văn bản tống đạt ngoài tố tụng, làm cho mức độ hợp tác làm việc hay thực hiện theo nội dung văn bản tống đạt ngoài tố tụng bị giảm sút, nên bên nhận văn bản có thể lợi dụng để gây khó khăn, trốn tránh việc nhận văn bản được giao. Ngoài ra, cần quy định cách tính chi phí phù hợp đối với trường hợp khách hành doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tống đạt văn bản số lượng ít (từ một đến hai văn bản), tránh tình trạng các Văn phòng Thừa phát lại tự do báo giá đến các khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp ngoài trụ sở chính còn có các chi nhánh ở nhiều nơi trên cả nước.

4. Đề xuất giải pháp thực hiện hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại

Một là, về chủ thể, doanh nghiệp là chủ thể ký kết thỏa thuận tống đạt ngoài tố tụng với Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm các chủ thể là doanh nghiệp theo quy định pháp luật và cần lưu ý vấn đề thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền của doanh nghiệp ký kết thỏa thuận.

Hai là, cần xác định rõ: (i) Mục đích của tống đạt ngoài tố tụng là nhằm tạo lập chứng cứ trong các mối quan hệ nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp; (ii) Đối tượng là các loại văn bản tống đạt ngoài tố tụng mà Thừa phát lại tống đạt mang tính chất doanh nghiệp như: Thông báo thanh toán; giấy mời họp; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm; (iii) Hình thức tống đạt bao gồm: Tống đạt trực tiếp và niêm yết công khai. Hai hoạt động này được thực hiện với nhiều điểm tương đồng với thủ tục tống đạt trong tố tụng, như việc lập biên bản giao nhận, nhận thay, trường hợp không thể tống đạt trực tiếp, thì Thừa phát lại thực hiện niêm yết công khai tại các điểm nơi cuối cùng của bên nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã và tại Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện việc tống đạt ngoài tố tụng; (iv) Quy định chế tài xử lý đối các hành vi vi phạm trong hoạt động ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại.

 Ba là, về quy trình, hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra hồ sơ pháp lý theo yêu cầu. Người yêu cầu có ủy quyền hay có quyết định phân công nhiệm vụ, giao công việc và đi kèm là giấy giới thiệu (đại diện làm việc, ký hợp đồng dịch vụ…).

Bước 2: Ký kết thỏa thuận pháp lý. Bao gồm các nội dung về căn cứ, chủ thể ký kết, nội dung công việc tống đạt, thời gian thực hiện tống đạt, thủ tục thực hiện tống đạt, chi phí thực hiện tống đạt, thời hạn và phương thức thanh toán chi phí tống đạt, quyền và nghĩa vụ của các bên, tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng, xử lý hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng…; đặc biệt là các chế tài về phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại nếu bên doanh nghiệp yêu cầu tống đạt không bảo đảm về tính pháp lý của hồ sơ mà bên Văn phòng Thừa phát lại tiếp nhận.

Bước 3: Chuẩn bị tống đạt (về mặt nhân sự, giấy tờ liên quan, phương tiện).

Bước 4: Tiến hành tống đạt: Hình thức tống đạt trực tiếp, niêm yết công khai (tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được nhận văn bản tống đạt; tại trụ sở Ủy ban nhân dân nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được nhận văn bản tống đạt; tại trụ sở, chi nhánh và trụ sở của doanh nghiệp ký thỏa thuận tống đạt với Văn phòng Thừa phát lại; tại Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt theo thỏa thuận đã ký kết).

Bước 5: Các bước liên quan đến hoạt động thanh toán phí tống đạt, thanh lý hợp đồng, báo cáo tống đạt đến Sở Tư pháp theo thời gian luật định.

Bên cạnh việc xây dựng quy định pháp luật chặt chẽ, thì còn những yếu tố khác sẽ hỗ trợ tối đa cho việc phát huy hiệu quả của hoạt động tống đạt ngoài tố tụng theo thỏa thuận với doanh nghiệp của Thừa phát lại như việc nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của Thừa phát lại... góp phần cho sự phát triển về pháp luật tống đạt của Thừa phát lại trong thời gian tới./.

 Phan Bá Đạt

Học viện Tư pháp cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn: https://danchuphapluat.vn/hoat-dong-tong-dat-ngoai-to-tung-theo-thoa-thuan-voi-doanh-nghiep-cua-thua-phat-lai

Dịch vụ Thừa phát lại
Lý do bạn chọn tôi

 Nhanh chóng, chuyên nghiệp, hiệu quả, chi phí hợp lý.

 Kinh nghiệm phong phú, trưởng thành từ thực tiễn nghề nghiệp.

 Khách hàng sẽ được tư vấn MIỄN PHÍ, tận tình đối với từng yêu cầu cụ thể.

 Được sự hỗ trợ chuyên môn tuyệt vời từ các cộng sự, cố vấn – những người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

 Thừa phát lại: Lê Văn Tùng

 Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại số: 1075/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

  VP: Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh - E5/6A Nguyễn Hữu Trí, TT Tân Túc, Bình Chánh, TP. HCM

  Hotline, zalo, viber 24/7: 0908.559.880


Copyright @ 2020 Thừa phát lại Lê Văn Tùng.
Đang Online: 1
Đã truy cập: 1550
Tổng truy cập: 107471