Hotline 24/7: 0908.559.880
"Vi Bằng - Bằng chứng sự thật, bằng chứng công bằng"
tung.thuaphatlai@gmail.com

Điểm mới về xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại

Thừa phát lại Online - Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích, làm rõ những điểm mới về xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại theo nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại; đồng thời, trao đổi thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung này.
Nếu như việc tống đạt, lập vi bằng và tổ chức thi hành án là công việc truyền thống, xuất hiện ngay từ đầu với sự hình thành chế định thừa phát lại, thì xác minh điều kiện thi hành án là công việc được giao thêm cho thừa phát lại trong giai đoạn thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và 12 tỉnh, thành trong cả nước (từ năm 2009 đến năm 2015) cũng như được áp dụng chính thức sau thí điểm. Đây là một trong những công việc độc lập của thừa phát lại được quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) thay thế cho Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghị định số 61/2009/NĐ-CP) và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở tổng kết thí điểm thừa phát lại được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên cả nước và để thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại.
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có sự kế thừa những quy định còn phù hợp, nhưng cũng có những điểm mới so với các nghị định trước đây về xác minh điều kiện thi hành án. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về xác minh điều kiện thi hành án dân sự gồm 08 điều (từ Điều 43 đến Điều 50), tăng 04 điều so với Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), cụ thể:
Thứ nhất, về thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án (Điều 43) 
Về cơ bản, giữ nguyên quy định của Điều 30 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), chỉ diễn đạt lại thành 02 khoản (khoản 1 và khoản 2) cho rõ ràng hơn.
Thứ hai, về thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44) 
Về cơ bản, giữ nguyên quy định của Điều 33 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), nhưng có bổ sung cụ thể hơn như:
- Khoản 1 Điều 44: Bổ sung việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án “của người phải thi hành án kể cả trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành”. Quy định này là cần thiết vì xác minh điều kiện thi hành án là một trong những công việc độc lập của thừa phát lại. Thừa phát lại không chỉ xác minh điều kiện thi hành án đối với các vụ việc do thừa phát lại trực tiếp tổ chức thi hành, mà còn có nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án kể cả trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành, nếu đương sự yêu cầu.
- Xác định thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án giữa người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại được ký kết dưới hình thức “hợp đồng dịch vụ”.
- Bổ sung các tài liệu cần phải có khi thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án, như: Đương sự phải cung cấp bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan (nếu có); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án phải cung cấp tài liệu chứng minh có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Quy định này nhằm đảm bảo tính khả thi và tạo thuận lợi cho thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án do đương sự cung cấp, thừa phát lại biết được thông tin về nghĩa vụ của người phải thi hành án, nghĩa vụ thi hành một lần hay theo định kỳ, có tài sản bảo đảm hay không và nếu có thì nằm ở đâu...?
Thứ ba, về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án (Điều 45) 
Điều này được bổ sung nhiều nội dung mới như:
- Quy định thời hạn Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải ra quyết định xác minh điều kiện thi hành án là “03 ngày làm việc” kể từ ngày ký kết hợp đồng dịch vụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và được ghi vào “sổ xác minh” điều kiện thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, thay vì “sổ thụ lý” như quy định trước. Đồng thời quy định: Quyết định xác minh phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án. Đây là quy định mới, làm cơ sở để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động xác minh của thừa phát lại, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan thi hành án dân sự kịp thời sử dụng, phối hợp trong tổ chức thi hành án.
- Quy định khi trực tiếp xác minh, ngoài việc xuất trình thẻ thừa phát lại, công bố quyết định xác minh, lập biên bản về việc xác minh như quy định trước, thừa phát lại còn phải xuất trình giấy giới thiệu của Văn phòng Thừa phát lại, các tài liệu có liên quan (tên bản án, quyết định; quyết định xác minh, bản sao văn bản thỏa thuận xác minh; quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án) và phải công bố quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án. Quy định rõ biên bản xác minh phải có chữ ký của thừa phát lại, người cung cấp thông tin, xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin. Nếu chưa thực hiện ngay được việc cung cấp thông tin thì phải ghi rõ lý do trong biên bản.
- Quy định cụ thể nội dung văn bản đề nghị cung cấp thông tin như: Căn cứ để đề nghị cung cấp thông tin (bản án, quyết định; quyết định xác minh, bản sao văn bản thỏa thuận xác minh…); thông tin về người phải thi hành án; các thông tin đề nghị cung cấp; thời điểm, thời hạn cung cấp thông tin và các thông tin khác có liên quan. Theo quy định mới thì văn bản đề nghị cung cấp thông tin kèm theo tài liệu liên quan được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, đồng thời gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Trường hợp thực hiện xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì phải đồng gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp chuyện nơi thực hiện xác minh.
Thứ tư, về từ chối cung cấp thông tin (Điều 46) 
Đây là điều mới bổ sung, quy định việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của thừa phát lại; đề nghị cung cấp thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của thừa phát lại; hồ sơ đề nghị cung cấp không đầy đủ các tài liệu theo quy định; các tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Khi từ chối cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quy định này nhằm đảm bảo thực hiện đúng thẩm quyền, tính đúng đắn, xác thực và hợp pháp của việc xác minh điều kiện thi hành án.
Thứ năm, về bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án (Điều 47) 
Đây là điều mới bổ sung, quy định thông tin xác minh không được sử dụng cho mục đích khác, ngoài mục đích thi hành án và phải được bảo quản theo chế độ mật theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người yêu cầu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo mật thông tin được cung cấp; việc xử lý đối với hành vi vi phạm (nếu có). Điều bổ sung này là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, tránh việc lợi dụng dùng kết quả xác minh vào mục đích khác, gây thiệt hại cho quyền lợi của đương sự và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Thứ sáu, về sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án (Điều 48) 
Về cơ bản, giữ nguyên Điều 32 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), chỉ bổ sung đối tượng là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” cũng có quyền sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án để yêu cầu thi hành án “hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, như đối với người được thi hành án. Việc bổ sung này là hợp lý vì không chỉ có người được thi hành án, mà trong một số trường hợp nhất định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có quyền yêu cầu thi hành án hoặc sử dụng kết quả xác minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Thứ bảy, về ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án (Điều 49) 
Đây là điều mới bổ sung, quy định Văn phòng Thừa phát lại có thể ủy quyền một phần hoặc toàn bộ nội dung xác minh cho Văn phòng Thừa phát lại khác thực hiện, nếu người yêu cầu đồng ý; việc ủy quyền phải được thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại ủy quyền, Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền đặt trụ sở để thực hiện việc kiểm sát theo quy định của pháp luật; việc xác minh thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự. Đây là quy định nhằm thúc đẩy hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại, phục vụ tối đa nhu cầu, lợi ích của người dân trong hoạt động này.
Thứ tám, về phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án (Điều 50) 
Đây là điều mới bổ sung, phát triển trên cơ sở khoản 3 Điều 31 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), nhưng có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp. Điều này quy định nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, như công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác, cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức hành nghề công chứng và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đang nắm giữ thông tin tài sản, tài khoản của người phải thi hành án “phối hợp, hỗ trợ” thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án, “phối hợp cung cấp” thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp
Ngoài ra, điều này cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án ký vào biên bản khi thừa phát lại xác minh trực tiếp hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo “đề nghị” của thừa phát lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, trường hợp từ chối cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do. Đồng thời, để tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin, điều này cũng xác định: Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, quy định trên đã được xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết hơn so với quy định trước, liệt kê khá đầy đủ tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện nền kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được thi hành án tự thực hiện xác minh còn chưa hiệu quả, thì quy định mới đã tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, mặc dù được quy định chi tiết, cụ thể hơn, nhưng quy định mới cũng có mặt hạn chế so với quy định trước, thể hiện ở chỗ: Nếu khoản 3 Điều 31 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan “phải” thực hiện “yêu cầu” của thừa phát lại, thì khoản 1 Điều 50 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP chỉ quy định nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan “phối hợp, hỗ trợ” thừa phát lại trong xác minh điều kiện thi hành án… Như vậy, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã quy định theo hướng cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ “phối hợp”, “hỗ trợ” mà không bắt buộc phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng, thừa phát lại là “tư nhân”, do đó, không có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện phối hợp xác minh điều kiện thi hành án. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ bắt buộc phải cung cấp thông tin, thực hiện yêu cầu của thừa phát lại mà chỉ tạo điều kiện cho thừa phát lại thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật[1]. Tác giả cho rằng, hạn chế này cần được nghiên cứu, khắc phục trong quá trình xây dựng Luật Thừa phát lại, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại, phục vụ tốt hơn nhu cầu, lợi ích của người dân trong hoạt động này.
Như vậy, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có những ưu điểm và hạn chế nhất định cần phải tiếp tục được nghiên cứu, khắc phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự nói chung, về thừa phát lại nói riêng, nhất là khi xây dựng Luật Thừa phát lại. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho hoạt động của thừa phát lại trong việc xác minh tài sản trong thời gian tới.
 TS. Nguyễn Thanh Thủy
Học viện Tư pháp

Nguồn Tạp chí dân chủ và Pháp luật (https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=762)

Dịch vụ Thừa phát lại
Lý do bạn chọn tôi

 Nhanh chóng, chuyên nghiệp, hiệu quả, chi phí hợp lý.

 Kinh nghiệm phong phú, trưởng thành từ thực tiễn nghề nghiệp.

 Khách hàng sẽ được tư vấn MIỄN PHÍ, tận tình đối với từng yêu cầu cụ thể.

 Được sự hỗ trợ chuyên môn tuyệt vời từ các cộng sự, cố vấn – những người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

 Thừa phát lại: Lê Văn Tùng

 Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại số: 1075/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

  VP: Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh - E5/6A Nguyễn Hữu Trí, TT Tân Túc, Bình Chánh, TP. HCM

  Hotline, zalo, viber 24/7: 0908.559.880


Copyright @ 2020 Thừa phát lại Lê Văn Tùng.
Đang Online: 63
Đã truy cập: 2957
Tổng truy cập: 108874