Đặc điểm của vi bằng
- Thẩm quyền lập vi bằng: Vi bằng chỉ do TPL lập.
- Đối tượng lập vi bằng: Là sự kiện, hành vi có thật, do TPL trực tiếp chứng kiến, trừ những trường hợp TPL không được làm và các trường hợp không được lập vi bằng theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi lập vi bằng: TPL lập vi bằng trong phạm vi toàn quốc. Nơi lập vi bằng của TPL rất đa dạng.
- Chủ thể có quyền yêu cầu lập vi bằng: TPL lập vi bằng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong khuôn khổ pháp luật.
- Phương thức lập vi bằng: Ghi nhận, mô tả lại sự kiện, hành vi bằng các giác quan của một người bình thường, kết hợp với các phương tiện kỹ thuật như: quay phim, chụp hình, đo đạc... nhằm mục đích mô tả lại sự kiện, hành vi một cách chính xác nhất có thể mà không được phép đánh giá, bình luận. TPL không can thiệp vào sự kiện, hành vi, chỉ đóng vai trò như một người "chụp ảnh” lại sự kiện, hành vi đó.
- Mục đích lập vi bằng: Việc lập vi bằng với mục đích duy nhất là tạo lập chứng cứ chứng minh có sự kiện, hành vi xảy ra trên thực tế. Cần phân biệt mục đích lập vi bằng với việc sử dụng vi bằng của người yêu cầu. Trên thực tế, vi bằng có thể được sử dụng trong xét xử, để thương lượng, hòa giải hoặc để lưu giữ hoặc đơn giản chỉ nhằm mang lại niềm tin cho nhau mà không cần đem ra sử dụng.
- Giá trị của vi bằng: Vi bằng có giá trị nguồn chứng cứ trong xét xử, trong các quan hệ pháp lý khác và là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Lưu trữ vi bằng: Vi bằng được vào sổ đăng ký và lưu trữ một bản chính tại Sở Tư pháp nơi VPTPL có trụ sở; lưu trữ tại VPTPL; giao cho các bên yêu cầu, tham gia lập vi bằng với số lượng bản chính theo thỏa thuận.
Phân loại vi bằng
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến. Vì vậy, mọi sự kiện, hành vi, đối tượng không thuộc trường hợp bị pháp luật cấm thì TPL đều có thể lập vi bằng. Nội dung vi bằng vô cùng phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Do đó, việc phân loại vi bằng cũng chỉ mang tính chất tương đối. Dựa vào những tiêu chí khác nhau, hiện nay có hai cách phân loại vi bằng phổ biến.
Phân loại vi bằng theo nội dung:
Dựa vào sự kiện, hành vi, đối tượng lập vi bằng, có thể chia vi bằng thành các loại sau:
+ Vi bằng ghi nhận việc bàn giao tài sản, giấy tờ;
+ Vi bằng ghi nhận buổi làm việc, cuộc họp;
+ Vi bằng ghi nhận việc gửi thông báo, văn bản, tài liệu... để thực hiện quyền/
nghĩa vụ/thủ tục...
+ Vi bằng ghi nhận nội dung trên internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền
thông;
+ Vi bằng ghi nhận việc trích xuất dữ liệu từ các thiết bị điện tử, internet;
+ Vi bằng ghi nhận hiện trạng/ kiểm kê tài sản...
+ Vi bằng ghi nhận việc lấy mẫu, mua hàng, thu thập vật phẩm...
+ Vi bằng ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm;
+ Vi bằng ghi nhận sự kiện biểu diễn... và các sự kiện khác.
Cách phân loại này có ý nghĩa thực tiễn trong việc xây dựng, hoàn thiện quy trình
nghiệp vụ, phát triển kỹ năng lập vi bằng, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng... TPL, thư ký nghiệp vụ, nâng cao chất lượng vi bằng phục vụ xã hội, vì mỗi loại vi bằng được liệt kê ở trên có những quy trình riêng, các yêu cầu cần phải thực hiện chuyên biệt.
Phân loại vi bằng theo lĩnh vực:
Dựa vào lĩnh vực mà TPL tham gia lập vi bằng, có thể chia vi bằng thành các loại sau:
+ Vi bằng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, thừa kế;
+ Vi bằng trong lĩnh vực bảo vệ quyền nhân thân;
+ Vi bằng trong lĩnh vực giao kết, thực hiện hợp đồng, giao dịch...
+ Vi bằng trong lĩnh vực xây dựng;
+ Vi bằng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
+ Vi bằng trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
+ Vi bằng trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
+ Vi bằng trong lĩnh vực Ngân hàng;
+ Vi bằng trong lĩnh vực doanh nghiệp;
+ Vi bằng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản;
+ Vi bằng trong các lĩnh vực khác...
Cách phân loại này có ý nghĩa tương đối, vì các lĩnh vực của đời sống xã hội vô cùng đa dạng, phong phú. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể lập các loại vi bằng theo cách phân loại theo nội dung ở trên. Tuy nhiên, cách phân loại này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật mà sự kiện, hành vi được lập vi bằng. Vì vậy, khi lập vi bằng trong lĩnh vực nào, TPL cần phải nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan, nhằm xây dựng phương thức lập vi bằng tối ưu, đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ mà vi bằng phải có.
Nhanh chóng, chuyên nghiệp, hiệu quả, chi phí hợp lý.
Kinh nghiệm phong phú, trưởng thành từ thực tiễn nghề nghiệp.
Khách hàng sẽ được tư vấn MIỄN PHÍ, tận tình đối với từng yêu cầu cụ thể.
Được sự hỗ trợ chuyên môn tuyệt vời từ các cộng sự, cố vấn – những người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật.
Thừa phát lại: Lê Văn Tùng
Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại số: 1075/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
VP: Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh - E5/6A Nguyễn Hữu Trí, TT Tân Túc, Bình Chánh, TP. HCM
Hotline, zalo, viber 24/7: 0908.559.880